Âm nhạc đóng một vai trò rất quan trọng trong giáo dục thẩm mỹ cho trẻ. Song nhiều phụ huynh vẫn chưa ý thức được vai trò và tầm quan trọng của việc định hướng giáo dục âm nhạc, cụ thể là chọn nhạc cho trẻ thế nào phù hợp và thực sự tốt nhất. Trong buổi trò chuyện cùng với Sức Sống Mới, ca sĩ – thạc sĩ thanh nhạc Bích Hồng đã chia sẻ suy nghĩ và kinh nghiệm thực tế của chị về vấn đề này. Ý nghĩa thực sự của âm nhạc đối với sự phát triển toàn diện của bé: phát triển thể chất đi kèm với phát triển trí tuệ để tạo dựng cho bé một nền tảng vững chắc, từ đó xây dựng một thế giới nội tâm phong phú, sâu sắc hướng đến một vẻ đẹp chân – thiện – mỹ.

Rất nhiều nghiên cứu trên thế giới đã khuyên cha mẹ nên cho trẻ nghe nhạc ngay khi còn trong bào thai. Những bản nhạc cổ điển với giai điệu êm dịu sẽ tác động cực tốt đến sự phát triển của bé từ trong chính tiềm thức.
Các bà mẹ trẻ nên học thuộc các bài dân ca, câu hò, điệu lý thân thuộc, đơn giản để hát ru ngủ cho trẻ để tạo sự yêu thương và gắn kết với trẻ. Đây cũng chính là bài học đầu tiên trong cuộc đời và sẽ theo trẻ đến mãi sau này. Âm nhạc có tính kích động và những bài hát người lớn tuyệt đối không nên cho bé nghe.
Khi trẻ vào độ tuổi mẫu giáo, bố mẹ có thể hát và tập cho bé hát hoặc mua các băng đĩa cho bé nghe và xem các ca khúc thiếu nhi. Những ca khúc có giai điệu nhẹ nhàng, vui tươi; các bài hát về gia đình, con vật, giáo dục đạo đức như bé bồng bông, hôm qua em tới trường, vườn của ba hoặc các bài đồng dao để trẻ có thể khám phá cuộc sống, xây dựng sự yêu thương, hiểu hơn về cộng đồng và văn hóa truyền thống.
Lựa chọn nhạc cổ điển để cho bé nghe. Bố mẹ có thể không thích nghe nhạc cổ điển, nhưng thái độ của bố mẹ quyết định rất lớn đến hiệu quả trong giáo dục âm nhạc. Nhạc cổ điển chính là tinh hoa của nhân loại, là đỉnh cao để phát huy trí tưởng tượng và sự sáng tạo của trẻ. Đồng thời, nó cũng quyết định đến khả năng thưởng thức âm nhạc sau này của bé. Không ít phụ huynh khi mua đĩa nhạc cho con nghe đã mê luôn thể loại âm nhạc này.
Phụ huynh cũng cần nhớ rằng, giáo dục âm nhạc phải từ từ và có sự kiên trì “mưa dầm thấm lâu”. Nó sẽ thấm dần dần và trở thành khả năng cảm thụ, thưởng thức âm nhạc có chọn lọc của trẻ.

Khi trẻ đi học, khả năng nhận thức và hoạt động thể chất, trí tuệ của trẻ đã chuyển sang một giai đoạn khác. Ngoài nhạc cổ điển, bố mẹ có thể cho bé nghe thêm các bài hát tuổi thiếu nhi, thiếu niên có giai điệu trong sáng, nhân văn về bạn bè, thầy cô, gia đình, quê hương của các nhạc sĩ như Thanh Tùng, Nguyễn Văn Hiên, Trương Quang Lục, Lê Quốc Thắng,…hoặc nghe nhạc trữ tình quê hương. Ở độ tuổi này, bé hoàn toàn có thể nghe nhạc tiền chiến, những ca khúc vượt thời gian.
Bên cạnh đó, nếu có điều kiện, bố mẹ có thể cho bé tham gia hoạt động âm nhạc tại nhà văn hóa, nhà hát thiếu nhi hoặc học chơi một nhạc cụ mà bé yêu thích. Việc hoạt động nhóm sẽ giúp bé có một môi trường học tập âm nhạc thật tốt.
Chính định hướng, nhận thức và thái độ của phụ huynh sẽ là yếu tố quyết định giúp bé có một môi trường và thói quen tốt trong cảm thụ, thưởng thức âm nhạc cách chọn lọc.