Ngày nay việc học đàn piano đã trở nên rất phổ biến và được nhiều người lựa chọn, đặc biệt là các bậc phụ huynh thường cho bé học chơi đàn piano từ nhỏ bởi nó vừa giúp bé được thư giãn, giải trí sau những giờ học mệt mỏi mà theo nghiên cứu của khoa học thì việc học đàn piano còn hỗ trợ phát triển trí thông minh cho trẻ. Thế nhưng việc dạy con học đàn không bao giờ cũng dễ dàng.
Hãy cùng Việt Thương chia sẻ những cảm nhận của mẹ Lien eth Nguyen về hành trình mẹ dạy bé yêu học piano như thế nào nhé.
Việc tự dạy con học đàn piano không phải dễ dàng như nhiều người lầm tưởng. (Ảnh minh họa)
Nhật ký dạy con học đàn piano khá thú vị của một người mẹ
Đầu tư cho bé học piano là một khoản đầu tư lâu dài và khá tốn kém. Không chỉ là chi phí mua đàn, chi phí đăng ký lớp học cho bé mà các bậc phụ huynh còn phải đồng hành cùng bé trong suốt quá trình học đầy gian nan và thử thách, điều này sẽ giúp bé có một động lực to lớn để vượt qua các trở ngại trong quá trình học.
Qua tiếp xúc và lắng nghe chia sẻ của các bậc phụ huynh chúng tôi đã thấu hiểu được nỗi lòng của các bạn có con học piano, nội dung bài viết sau đây chúng tôi sẽ trích dẫn chia sẻ của mẹ Lien eth Nguyen về hành trình dạy con học đàn.
Cho bé học đàn piano từ 4,5 tuổi
Chị kể “với nhà mình, học đàn cũng là một sự tình cờ. Lúc đầu mình chẳng bao giờ nghĩ sẽ cho con trai học đàn piano, mặc dù bản thân từ nhỏ đến lớn đều thích nghe tiếng đàn piano. Mình vốn dĩ không biết gì về nhạc nên cũng không hề có suy nghĩ cho con học đàn, mình đi học đàn còn bị cô giáo dạy nhạc nói là: Tôi chưa từng thấy ai hát xướng âm ngang như em. Vì vậy, trong thâm tâm mình nghĩ gia đình mình không ai có năng khiếu với môn học này.
Trái với ý kiến của mình, bố Nhím nói Nhím rất nghịch, lại không có khả năng tập trung vào bất kì điều gì. Nếu tiếp tục để bé như vậy, bé sẽ không thể học nổi một cái gì. Vì vậy mà bố Nhím đưa ra quyết định cho con học đàn, mục đích không phải là để con đánh được đàn mà là giúp con có khả năng tập trung hơn. Mình cứ lần lữa mãi không đăng ký vì nghĩ con không có năng khiếu với âm nhạc.
Hồi đó, Nhím có học tiếng Anh ở một trung tâm đối diện với trung tâm nhạc cụ, trong lúc đợi con, bố Nhím đã chạy sang đăng ký và đóng tiền cho con học.
Tiền đóng rồi nên không thể không học, lúc đó Nhím mới độ khoảng 4, 5 tuổi”.
Khó khăn ban đầu
Khá nhiều khó khăn được đặt ra cho cả mẹ và Nhím, những bài đầu tiên, mẹ thường sẽ phải ngồi cùng con, học cùng con, mua một cây đàn piano đồ chơi chỉ 7 nốt nhạc và học trên đó. Tính Nhím quen nhảy nhót nên không chịu nổi việc ngồi chơi đàn, trong khi đó lớp có đến 10 bạn, giảng viên không thể theo sát được từng bé, chính vì vậy mà mẹ lại hóa thành người thầy của con.
Mẹ lúc này phải học cùng Nhím, Nhím không thể học được bởi khả năng tiếp thu bài không có, con cứ nằng nặc đòi xin nghỉ học. Lúc đó mình cũng chỉ suy nghĩ “nếu con không học được đàn thì hỏng rồi, không có khả năng tập trung thì đi học sẽ không học nổi cái gì”. Thế là vì tương lai của con, mình tự tìm cách dạy con.
Mình mua thêm các tài liệu và sách về nhạc lý để nghiên cứu để có cách dạy nhạc cho trẻ.
Đồng hành cùng con trên bước đường đầu tiên
Mỗi tối dành 45 phút cùng con đánh đàn, đánh mẫu cho con học theo, trước khi học nhắc nhở con về lợi ích của việc học đàn, việc tập luyện được diễn ra đều đặn hàng ngày, bất kể là ngày gì. Vì học cùng con nên biết được con khó khăn ở đâu để cùng con khắc phục, trao thưởng cho con để con có động lực học tiếp.
Ngoài ra, mẹ còn tạo ra các trò chơi với con xoay quanh các phím đàn giúp con vừa học, vừa chơi, cứ như vậy sau 2 năm mình để con tự học cho đến thời điểm bây giờ.
Đối với các bé sự nhẫn nại và kiên trì dạy bảo của các bậc phụ huynh sẽ giúp bé rất nhiều trong quá trình học tập, đặc biệt là học đàn piano.