Các trò chơi âm nhạc không những giúp trẻ vui vẻ mà còn mang đến nhiều giá trị cho trẻ như phát triển thể chất, làm quen với nhịp với âm thanh nhạc cụ, tạo nền tảng tốt nhất cho những môn học âm nhạc bé mong muốn tham gia. Và hiện nay các trò chơi âm nhạc cũng được áp dụng nhiều trong các lớp cảm thụ âm nhạc của các Trường nhạc lớn, ba mẹ hãy tham khảo và cùng con có những buổi tối cuối tuần vui vẻ nhé.
- Vẽ tranh với âm nhạc
Trò chơi này không chỉ giúp trẻ thích thú với âm nhạc mà còn giúp trẻ phát triển khả năng về nghệ thuật hội họa, ba mẹ và các con có thể cùng chơi, hoặc tổ chức chơi theo nhóm.
Chuẩn bị: Máy nghe nhạc hoặc máy tính, giấy, màu sáp, bút chì.
Cách chơi: Mỗi người lấy một tờ giấy và bút màu sáp, ba mẹ chọn một bài hát tùy thích, luật chơi là có tiếng nhạc sẽ bắt đầu vẽ, nhạc tắt thì ngưng vẽ, sau đó di chuyển tờ giấy trẻ đang vẽ cho người khác và nhận về tờ giấy của người khác vẽ để tiếp tục. Trò chơi được tiếp diễn cho tới khi bạn muốn ngừng.
Cuối cùng, cả nhà cùng xem lại tác phẩm, không cần quá quan tâm về kết quả, mà quá trình này người chỉnh nhạc cố gắng chỉnh sao cho các đoạn bật và tắt trọn vẹn trong một đoạn nhạc để bé có thể cảm nhận được nhịp nhạc có trong bài.
- Sáng tạo giai điệu cho riêng mình
Bài học này thường xuyên được sử dụng trong các lớp học nhạc, giúp trẻ kích phát được khả năng sáng tạo rất lớn.
Chuẩn bị: Giấy, bút màu
Cách chơi: Bạn hãy đặt ra quy định cho mỗi hình tương xứng với một âm thanh. Ví dụ, ngôi sao có nghĩa là vỗ tay 2 lần, vòng tròn có nghĩa là giậm chân 2 lần, tam giác có nghĩa là vỗ bàn 3 lần… Sau đó cho các bé sử dụng các biểu tượng này để tạo nên giai điệu riêng của mình và cùng thể hiện chúng với trẻ.
- Tìm đồ vật bằng âm nhạc
Trò chơi này giúp phát triển kỹ năng nghe và xác định vị trí của đồ vật cho trẻ.
Chuẩn bị: Đồ chơi có phát nhạc, không gian giấu đồ chơi.
Cách chơi: Ba mẹ giấu đồ chơi của trẻ vào nơi đã định, sau đó bật lên và yêu cầu trẻ tìm, tăng độ khó sau mỗi lần chơi để trẻ tự tìm và xác định vị trí.
- Trò chơi đó là âm thanh gì?
Trò chơi này sẽ giúp các bé phân biệt được âm thanh của nhiều loại nhạc cụ khác nhau, ba mẹ sử dụng thường xuyên sẽ hỗ trợ rất tốt cho việc bé học nhạc sau này.
Chuẩn bị: Máy nghe nhạc hoặc điện thoại hay máy tính, các file âm thanh của các loại nhạc cụ khác nhau.
Cách chơi: Đầu tiên ba mẹ hãy phát âm thanh của từng loại nhạc cụ để bé làm quen. Sau đó chọn một âm thanh bất kỳ và yêu cầu trẻ đoán xem âm thanh đó là của loại nhạc cụ nào. Lần đầu chỉ nên bắt đầu với 2 hoặc 3 nhạc cụ, sau đó tăng dần độ khó bằng cách phát ra nhiều file âm thanh của nhiều loại nhạc cụ khác nhau, hoặc yêu cầu trẻ phân biệt những nhạc cụ có âm thanh gần giống nhau.
- Trò chơi quay chai nhựa
Chuẩn bị: Một chai nhựa rỗng, danh sách các việc trẻ cần làm như hát, múa hay nhảy…
Cách chơi: Cho các bé ngồi thành vòng tròn và đặt chai nhựa vào giữa, chỉ định ngẫu nhiên trẻ quay chai nhựa, khi chai nhựa ngừng quay chai chỉ vào bé nào bé đó sẽ phải thực hiện hoạt động đã đề ra trước đó.
Hoạt động này giúp trẻ phát triển kỹ năng tự tin trước đám đông, giúp trẻ tích cực hơn trong các hoạt động cộng đồng.
Những trò chơi âm nhạc nhỏ trên đây ba mẹ có thể áp dụng ở bát kỳ đâu với trẻ vì phần chuẩn bị đơn giản, nhưng kết quả mang về đối với việc giáo dục âm nhạc, phát triển não bộ và kỹ năng nhận biết của trẻ rất lớn. Hi vọng những trò chơi nhỏ này sẽ góp phần làm nền tảng vững chắc cho quá trình theo đuổi âm nhạc lâu dài của trẻ.