Tiến sĩ Howard Gardner – giáo sư khoa học thần kinh tại ĐH Harvard từ nghiên cứu của mình đã đưa ra lý thuyết Đa trí tuệ (Multiple Intelligences-MI) rằng “ Chúng ta có thể đo lường chỉ số thông minh bằng các bài trắc nghiệm. 8 loại trí tuệ khác nhau phản ánh các cách tương tác đa dạng với thế giới quan. Và mỗi người đều có sự pha trộn độc đáo của 2 loại hoặc nhiều hơn giữa các dạng trí tuệ này”. Nếu ba mẹ nhận biết sớm và đưa ra hướng giáo dục phù hợp sẽ giúp trẻ có khả năng phát triển toàn diện loại trí thông minh mà trẻ sở hữu, tạo cơ hội cho bé thành công trong tương lai. 

Vậy đó là 8 loại hình thông minh nào, và đối với mỗi loại ba mẹ cần làm gì để giúp con phát triển toàn diện nhất?

8 loại hình thông minh sẽ lần lượt được đưa ra trong bài viết với khái niệm chung nhất, ba mẹ cần quan sát kỹ trẻ, để nhận ra được trẻ vượt trội về loại thông minh nào, sau đó theo dõi các phần hoạt động gợi ý để lên kế hoạch thúc đẩy toàn diện trí thông mình nổi bật nhất ở con mình.

1. Trí thông minh về không gian

Những người có trí thông minh không gian thường rất  giỏi trong việc hình dung đối tượng cần thao tác. Họ có một trí nhớ thị giác mạnh mẽ và thường có khuynh hướng nghệ thuật. Những người có trí thông minh thị giác – không gian cũng thường có một cảm giác rất tốt về phương hướng, ngoài ra họ cũng có thể có sự phối hợp tay và mắt rất tốt, mặc dù điều này được xem là đặc trưng của vận động cơ thể. 

Với những trẻ có trí thông minh không gian ba mẹ hãy tìm cách phát triển khả năng liên tưởng, trí tưởng tượng cho con bằng cách:

Cho con tham gia các lớp cờ vua khi đủ tuổi

Tham gia các lớp âm nhạc mầm non có áp dụng các phương pháp giáo dục âm nhạc tích cực chủ động

Chơi các trò chơi ô chữ, các trò chơi ghép, nối hình và chữ

Cho bé tự trang trí phòng ngủ

Hướng bé hoạt động thuyết trình kết hợp giữa hình vẽ và trình bày

2. Trí thông minh logic-toán học

Theo Howard Gardner thì những người có trí thông minh này có khả năng phát hiện, suy diễn được các quy trình, có cách tự suy theo dạng nguyên nhân – kết quả. Họ cũng có khả năng lên ý tưởng cho khoa học và toán học, sáng tạo ra các học thuyết mới, tìm ra các mô hình số học hoặc quy tắc dựa trên các khái niệm, đồng thời thích đưa ra các quan điểm dựa trên lý trí trong cuộc sống nói chung.

Với những bé có thiên hướng phát triển logic- toán học ba mẹ có thể cho bé thực hiện các hoạt động sau để phát triển: 

Chơi các trò chơi logic toán học, giải các câu đố logic và các vấn đề về trí não cùng bé.

Cho bé tiếp xúc với bàn tính sớm

Dạy bé tính nhẩm

Thường xuyên thảo luận về các nghiên cứu khoa học với bé

Thường xuyên cho bé xem các bộ phim tài liệu về khám phá cuộc sống, thế giới động vật..

Thường xuyên cho bé đi thăm các  bảo tàng, trưng bày về vũ trụ, các hình khối, các sinh vật biển, sinh vật thời tiền sử…

3. Trí thông minh vận động

Những người sở hữu trí thông minh này thường thành thạo các hoạt động thể chất, họ sử dụng bộ nhớ cơ bắp. Tức là họ nhớ những điều thông qua cơ thể của họ, chứ không phải bằng lời nói hay hình ảnh. Những người có trí thông minh này thường rất thành công trong các công việc đòi hỏi các kỹ năng khéo léo, dẻo dai như khiêu vũ, thể thao, phẫu thuật, làm thủ công… 

Để hỗ trợ trẻ bạn cần 

Cho trẻ tham gia CLB thể chất thường xuyên để rèn luyện khả năng phối hợp của toàn bộ cơ thể 

Tạo điều kiện để trẻ trải nghiệm các lớp kịch, khóa học võ thuật, lớp âm nhạc, múa hoặc nhảy…

Hướng dẫn trẻ vẽ tranh, nặn, làm đồ thủ công, lego…

Khuyến khích trẻ chơi các trò chơi vận động như nhảy dây, bật nhảy, đuổi bắt…

Hướng dẫn trẻ sử dụng các chuyển động, cử chỉ và các biểu hiện cơ thể để học hỏi và giải quyết vấn đề.

4. Trí thông minh giao tiếp

Những người này luôn có khả năng liên kết, hòa nhập tốt với người khác, dễ dàng bắt được cảm xúc, tâm trạng và chủ động trong mối quan hệ của họ, những người này có thể là nhà tâm lý học, những người đàm phán.

Để hỗ trợ những trẻ có trí thông minh này ba mẹ cần tạo môi trường tiếp xúc đa dạng cho bé.

Cho trẻ tham gia các lớp diễn xuất, múa, kịch nói, MC..

Thường xuyên tương tác với con các câu chuyện nhỏ, gợi mở suy nghĩ phán đoán

Tạo điều kiện cho trẻ nghe nhiều, đi nhiều, thấy nhiều để trẻ bổ sung nhiều góc nhìn trong cuộc sống, trẻ sẽ chọn lựa cách giao tiếp tốt nhất với sự vật hiện tượng đang diễn ra xung quanh.

5.Trí thông minh nội tâm

Những  người thông minh nội tâm thường hướng nội và thích làm việc một mình. Họ có ý thức tự giác cao và có khả năng hiểu được cảm xúc, mục tiêu và động cơ của bản thân. Họ thường ham thích theo đuổi những tư tưởng cơ bản cũng như triết học vậy. Và họ học tốt nhất khi được phép tập trung vào chủ đề của mình, những người này có một sự cầu toàn cao trong mọi việc. 

Để giúp bé phát triển trí thông minh nội tâm, mẹ hãy để con thoải mái thể hiện ý kiến cá nhân, quan điểm riêng, không áp đặt các tính cách tiêu cực cho trẻ trong gia đình hay trước đám đông.

Cho trẻ thời gian làm việc và chơi một mình bằng cách đưa ra yêu cầu trẻ làm việc gì đó cho cả nhà, để trẻ có thể thể hiện khả năng. 

Giúp trẻ gọi tên những cảm xúc mà trẻ cảm thấy ngay từ khi còn nhỏ. Hướng dẫn trẻ nuôi dưỡng cảm xúc tích cực, biết cách thể hiện cảm xúc tiêu cực đúng cách, đúng chỗ và cách nhanh chóng thoát ra khỏi trạng thái tiêu cực. Vì thường những trẻ có trí thông minh nội tâm rất nhạy cảm, dễ tổn thương, nếu không giải quyết tốt các cảm xúc này sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho trẻ.

Giúp trẻ biết cách tự khen mình khi làm việc gì đó thành công, tự động viên mình khi thất bại ví dụ như làm lần 1 chưa được thì làm tiếp lần 2, lần 3…

Giúp trẻ tự nhận ra điểm mạnh, điểm yếu của mình. Trước mỗi khi đi ngủ giúp trẻ có thói quen kiểm điểm lại công việc trong ngày, việc gì làm được, việc  gì chưa làm được, cái nào cần thay đổi, khắc phục để hướng trẻ tới hoàn thiện quan niệm sống riêng, không chịu ảnh hưởng từ lời nhận xét của người khác.

6.Trí thông minh ngôn ngữ

Trí thông minh ngôn ngữ là loại hình thông minh rất phổ biến nhất trong số 8 loại hình thông minh của thuyết trí thông minh đa diện.

Trẻ sở hữu loại trí thông minh về ngôn ngữ rất nhạy cảm với ý nghĩa của từ, trật tự giữa các từ, âm thanh, nhịp điệu… Những bé này sẽ có khả năng giỏi đọc, viết, kể chuyện và ghi nhớ từ, ghi nhớ ngày tháng. Thường xuyên sử dụng kỹ năng giải thích, giảng giải, biện luận. 

Để giúp trẻ phát triển tốt nhất ba mẹ nên: 

Hay cho bé được nói chuyện nhiều và khuyến khích con hãy kể lại các câu chuyện đã được nghe.

Cho trẻ được tiếp xúc nhiều với thế giới sách như đưa bé đến nhà sách, thư viện…

Ba mẹ có thể định hướng cho con tham gia các hoạt động tập thể như diễn kịch, đọc thơ, học hát…

Hãy dạy cho con từ mới và cách phát âm cho bé thông qua những hoạt động hằng ngày trong lúc dắt bé đi tham quan sở thú, đi siêu thị, công viên…

Khuyến khích con đưa ra những ý kiến, thể hiện suy nghĩ của mình qua lời nói hoặc chữ viết và bố mẹ hãy tôn trọng ý kiến của bé.

7. Trí thông minh âm nhạc

Khi trẻ có trí thông minh âm nhạc sẽ bắt rất chuẩn vào các nhịp điệu bài hát mà trẻ được nghe, thực hiện các động tác tay chân phối hợp rất tốt với giai điệu. Những trẻ này có khả năng sáng tác tốt trong tương lai, có khả năng học hỏi và ghi nhớ thông tin vượt trội. 

Để hỗ trợ bé phát triển tốt nhất tố chất này ba mẹ có thể:

Cho bé tham gia vào các lớp âm nhạc ngay từ lứa tuổi mầm non, tốt nhất bắt đầu khi bé 3 tuổi.

Đọc sách và hướng dẫn bé cách ghi nhớ thông tin nhanh, hữu dụng nhất với bé

Khuyến khích bé tự sáng tác các bản nhạc riêng.

Hướng dẫn bé thu thập tài liệu, các thông tin dành cho việc sáng tác

8.Trí thông minh thiên nhiên

Trẻ có trí thông minh thiên nhiên ham muốn tìm hiểu, khám phá những bí ẩn của tự nhiên. Có sự quan sát sâu sắc về môi trường tự nhiên xung quanh, có khả năng phân loại những sự vật, hiện tượng, con vật, cây cối xung quanh rất tốt. Trẻ sẽ có thiên hướng của một nhà nghiên cứu sinh vật học, những nhà bảo tồn thiên nhiên, nhà khoa học, vật lý hoặc bác sĩ. 

Để giúp đỡ trẻ ba mẹ tạo điều kiện cho trẻ thông qua các khám phá, dã ngoại.

Cho trẻ được chạm vào đất, cát, cây cối…

Hướng dẫn trẻ ghi chép chi tiết những sự vật tình huống gặp phải trong thiên nhiên

Tạo điều kiện cho trẻ được trình bày những nghiên cứu của mình một cách đơn giản

Thường xuyên cho trẻ xem phim khám phá cuộc sống động vật, biển, rừng, núi lửa…

Cho trẻ tham quan các bảo tàng

Cho trẻ tiếp xúc với các loại sách về côn trùng, động vật, thiên nhiên, mưa…

Trẻ sẽ vô cùng thích thú với một cái kính lúp để nhìn mọi vật rõ ràng hơn

Tạm kết

Từ lý thuyết của Tiến sĩ Gardner cho chúng ta thấy, mỗi đứa trẻ đều tồn tại một vài kiểu thông minh trên, để có thể phát triển toàn diện, tạo cơ hội thành công cho trẻ ba mẹ và nhà trường cần có phương pháp giáo dục chính xác cho từng đối tượng khác nhau. Phụ huynh có thể tham khảo những ý kiến trong bài viết, kết hợp với tính cách cá nhân từng em để tìm ra cách tiếp cận trí thông minh của con mình tốt nhất. 

Tuy nhiên hiện nay có rất nhiều trường học đã bỏ rơi các em học sinh có thiên hướng học tập thông qua vận động, âm nhạc, thị giác, giao tiếp, nội tâm… Thay vào đó họ hướng tất cả mọi học sinh đi theo trí thông minh ngôn ngữ và trí thông minh logic-toán học. Từ đó các học sinh theo học phải đi cùng một con đường, và cùng chịu chung một sự đánh giá, phán xét. Nếu được phát hiện, hỗ trợ ngay từ nhỏ nhiều học sinh đã có thể học tập tốt hơn, khi chúng được tiếp thu kiến thức bằng chính thế mạnh mà chúng sở hữu. 

Xem thêm:

Chương trình âm nhạc mầm non mà Việt Thương Music School đang cung cấp

Chương trình piano mầm non Music for Little Mozarts ( trẻ từ 3-6 tuổi)

Chương trình piano mầm non Kawai Music ( trẻ từ 3-6 tuổi)

Chương trình đào tạo luyện thi chứng chỉ âm nhạc quốc tế LCM ( guitar, violin, piano, saxophone, vocal…) dành cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên, thanh thiếu niên, người trưởng thành.

Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ: 1800 6715