Có rất nhiều phụ huynh đưa con đến với các lớp học âm nhạc với mong muốn cho con có một niềm vui sống từ loại nhạc cụ sẽ gắn bó với con sau này. Đây là một mong muốn vô cùng đáng trân trọng, bởi cuộc sống mà không có ít nhất một niềm vui tri kỷ thì còn gì là hạnh phúc. Nhưng để đạt được mục đích này sự kiên trì bỏ ra để theo đuổi không thể tính được bằng tuần, bằng tháng, bằng một hay hai bài học mà được tính bằng năm, có khi là nhiều năm.
Tuy nhiên nguồn lợi thu về sẽ không thể nào định hình được cụ thể, không ai đong đếm được sau khóa học đó, thời gian học đó trẻ em nhận được những gì, chỉ có thể đánh giá qua kỹ năng chơi nhạc cụ của con. Nhưng trẻ con luôn học mọi thứ theo hứng thú, khi hứng thú hết thì mọi ngọn lửa đam mê ngay lập tức lụi tàn, mức độ kinh tế cha mẹ đầu tư cho con đi học rất có nguy cơ nhận lại rất ít, có khi không nhận được gì, và thậm chí bị lỗ. Nhưng có phải chính vì những lý do này mà chúng ta nên chần chừ khi có ý định đầu tư cho con đi học nhạc cụ?
Âm nhạc quan trọng đến mức độ nào đối với trẻ
Đã có quá nhiều tài liệu đề cập đến sự quan trọng của âm nhạc đối với trẻ em, nhưng sự quan trọng đó ảnh hưởng ở mức độ nào thì rất ít tài liệu nào đề cập.
Triết gia Hy Lạp – Plato đã từng nói “Âm nhạc là một thứ luật của luân lý. Nó đem đến linh hồn cho vũ trụ, đôi cánh cho tâm trí, để tưởng tượng, bay bổng, đem đến sự quyến rũ và vui vẻ cho vạn vật” cách đây cả 2300 năm. Hay như trước đó đức Khổng Tử đã dạy “ Người quân tử học được Lễ Nhạc sẽ biết yêu thương người khác, tiểu nhân học được Lễ Nhạc sẽ biết hòa thuận”.
Cả hai đức thánh nhân vừa nêu có sức ảnh hưởng vô cùng lớn với nhiều thế hệ. Họ trưởng thành, và cống hiến, họ nhận ra sức ảnh hưởng của âm nhạc, tiêu cực hay tích cực tùy hình thái âm nhạc ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển của từng cá nhân, rộng lớn hơn là ảnh hưởng toàn bộ đến nền văn hóa của một quốc gia.
Từ trên chúng ta có thể suy ra, âm nhạc không chỉ là một môn học để giải trí, mà nó mang theo cả những ảnh hưởng tích cực, khả năng sáng tạo và sự cân bằng cuộc sống cho một đứa trẻ, sau đó là một người trưởng thành. Một cá nhân, rồi đến một tập thể và đến một cộng đồng, chính vì vậy âm nhạc là một môn học cần thiết cho mỗi đứa trẻ.
Đầu tư cho giáo dục âm nhạc có phải là một đầu tư có lời?
Thực sự, để sắp xếp nguồn lực đầu tư vào việc học hành của con cái trong bất cứ gia đình nào đều không cảm thấy lãng phí, nhưng quan trọng ở đây là việc cân nhắc nên cho con tham gia những khóa học nào để đảm bảo sự đầu tư của ba mẹ là có lợi, nhất là những môn học kết quả vô hình và không thể đảm bảo trước do nhiều yếu tố như âm nhạc.
Đương nhiên một nhà đầu tư khôn ngoan sẽ phải cân nhắc rất nhiều giữa việc có và không khi bỏ tiền cho hạng mục này, nhất là quá trình đầu tư tốn kém về thời gian, thiếu vắng về sự tư vấn chính xác cũng như môi trường học, phương pháp học tốt cho âm nhạc như của Việt Nam hiện nay.
Nhưng nếu nói như vậy thì khá bất công cho giáo dục âm nhạc. Đơn cử bạn có thể so sánh, các kiến thức toán học cao cấp, các bài thơ đường, cách quan sát Atlas của môn Địa Lý, hay những trận đánh lịch sử thì đến 80% trong kiến thức đó sẽ bị phần lớn chúng ta quên đi sau khi kết thúc 12 năm đèn sách. Nhưng ngược lại, dù chỉ là khóa học nhạc cụ 9-12 tháng gắn bó, khẳng định chắc chắn cả thời gian rất dài về sau con người không thể quên, nhất là khi thường xuyên chơi và thưởng thức nhạc cụ đó. Chính vì vậy ba mẹ không cần lo lắng khi đầu tư cho con đi học nhạc vì học nhạc là học cho chính mình, hiệu quả không thể đong đếm bằng những định lượng chính xác.
Được giáo dục âm nhạc là quyền của mọi người
Âm nhạc là chất xúc tác mạnh mẽ nhất cho cảm xúc, khi học nhạc phải trải qua một quá trình khổ luyện, tạo nên năng lực thúc đẩy các sự việc khác một cách kiên trì và tích cực. Nhiều ba mẹ cũng phân vân khi đăng ký học nhạc cho con mình đó là không biết con có năng khiếu âm nhạc hay không? Như vậy không có nghĩa là không có năng khiếu như Messi sẽ không thể tập bóng, hay không thể như Rafael Nadal thì không nên chơi Tennis?
Rất nhiều phụ huynh cảm thấy luyến tiếc khi mình không được chơi nhạc khi còn nhỏ, hoặc đã không tập luyện một cách nghiêm túc với nhạc cụ. Khi đã trải qua rất nhiều những va vấp trong đời sống, họ nhận ra tầm quan trọng của âm nhạc với con người và muốn truyền lửa lên chính những mầm non mà họ đang ươm trồng là con trẻ, và khẳng định con trẻ có quyền được học bất cứ loại nhạc cụ nào, hay loại hình nghệ thuật nào mà chúng yêu thích.
Học nhạc là niềm vui, niềm hạnh phúc của trẻ con cũng chính là của ba mẹ, vậy nên đừng chần chừ khi tặng cho con một món quà có giá trị tinh thần lớn lao đi theo suốt cuộc đời của trẻ, chúng ta nếu còn băn khoăn về chọn lựa môn học thì tuổi tác của các bé còn cho phép chúng sai lầm, cho phép chọn lựa đúng loại nhạc cụ mà chúng yêu mến và muốn gắn bó. Đó là quyền, cũng như niềm vui vô tận của trẻ em mà không gì khác ngoài âm nhạc có thể mang lại.